top of page

Người vẽ tâm hồn


Chúng tôi gọi chú là hoạ sĩ vì đơn giản là chú vẽ, mặc dù ít ai có cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm của chú. Là người Quảng Bọ, chú từng học trường tại đại học Mỹ Thuật Nghệ Thuật Huế trong 8 năm, lăn lộn ở Sài Gòn phù hoa 2 năm trước khi hồi hương do hoàn cảnh gia đình. Mẹ chú đau nặng cần người chăm sóc nên cái tôi phải tạm gác lại, chứ chú vốn không định về. Trong thời điểm chú đi học, chú đã vừa học vừa làm rồi. Hồi đó có nhà may Chi nổi tiếng, chú nhập vải về vẽ áo dài. Ba anh em cùng phòng thời đại học nảy ra ý tưởng vẽ áo dài vì thấy họ in không đẹp. Cái mốt các chú tung ra lúc bấy giờ đã tạo nên xu hướng thích may áo dài vẽ. Mấy anh em cùng ra chợ chào hàng, mặc sức vất vả tối ngày theo sách vở. Vào Sài Gòn rồi, khi có hội chợ Quang Trung hay hội chợ quốc tế, mấy anh em cùng làm rồi thuê cả sinh viên đại học trong Sài Gòn, vừa vẽ tranh vừa vẽ áo dài, kimono, thiết kế nội thất đủ thứ. Cuộc sống của người trẻ tự do cho chú cơ hội để sáng tạo và gây dựng các giá trị nghệ thuật, thế nên khi về quê, chú vẫn tiếp tục niềm đam mê của mình trước những xu hướng thời trang mới. Khi áo in thổ cẩm hay in bằng máy trở nên thịnh hành hơn, chú thôi không làm nghề vẽ áo nữa. Thế nhưng, sự yêu thích hội hoạ vẫn giữ chú lại trong ngành, và bằng cách chứng tỏ bản thân qua tranh, tài năng của chú cuối cùng cũng được công nhận. Chú nói chú vẽ tâm hồn của mình để người xem cùng đồng cảm. Thời gian sáng tác tuỳ thuộc vào cảm hứng, như sáng tác thơ hay nhạc vậy, liên quan sự tương tác khách quan với chủ thể đặt trong hoàn cảnh cụ thể. Cũng như trong nhiếp ảnh, phải biết cách nắm bắt một khoảnh khắc bằng độ nhanh nhạy của mình trước khi khoảnh khắc đó vụt qua. Trước đây tranh của chú nghiêng về trường phái trừu tượng. Đôi khi, thật khó cho mọi người hiểu và trân trọng những giá trị ẩn sâu sau những vệt màu, đặc biệt là những tranh thuộc trường phái giàu cảm xúc này. Nghệ thuật có thể được thể hiện dưới nhiều loại hình, nhưng đối với chú, một bức tranh đích thực truyền tải trọn vẹn tâm tư của người hoạ sĩ. Và trên hết, nghệ thuật không có chỗ cho sự rập khuôn. Khi sử dụng sơn dầu và acrylic, chú có thể tuỳ biến vạn hoá cho bức tranh của mình cho sống động thêm. Nếu không hài lòng thì xoá lớp cũ, hoặc để làm nền, làm nổi bật lớp mới tạo chiều sâu cho bức tranh. Vẽ tranh đôi khi không cần hoà màu một cách chủ đích bởi đặt cạnh nhau chúng có thể tự tôn lên vẻ đẹp của mình. Một bức tranh là cả một quá trình suy nghĩ và âu tư của người hoạ sĩ, là tiếng nói thầm kín từ tâm hồn họ ra thế giới. Chúng tôi hỏi, nhưng chú trả lời rằng không có bức tranh nào là tâm đắc nhất cả. Trong suy nghĩ của chú, “sự bằng lòng với bản thân là vật cản to lớn trên con đường tìm đến sự tiến bộ”. Là người hoạ sĩ, mình cần tìm tòi các xu hướng mới để hoàn thiện mình. Bức tranh này hôm nay thấy đẹp, ngày mai sẽ không thấy xuất thần như trước nữa, hoặc đơn giản là chú có thể tạo ra bức khác đẹp hơn. Nghệ thuật là vô cùng, như chú đã từng trải nghiệm, rằng có thể mấy năm trước lối vẽ này được ưa chuộng nhưng sau này lại mất đi sức hút của mình. Kể cả như vậy, chú vẫn theo đuổi quá trình sáng tạo của mình, và qua nét mặt trầm ngâm của chú, đôi mắt ấy vẫn lóe lên niềm đam mê vô tận đối với nghề vẽ. Sẽ tới một ngày, chúng tôi mong chú sẽ là người tạo ra những giá trị văn hoá có tính thời đại, để đóng góp vào nền nghệ thuật của nước nhà, hoặc mang ra thế giới.

bottom of page